(hay là Một hành động bình thường)
Thời gian nhận quyên góp áo quần và hiện vật được thông báo là diễn ra trong 3 giờ đồng hồ và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa thứ bảy.
Thời gian nhận quyên góp áo quần và hiện vật được thông báo là diễn ra trong 3 giờ đồng hồ và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa thứ bảy.
Lúc này, tôi hãy còn ở trong một lớp học về thiết kế. Việc giao đồ là bất khả. Vậy là sáng thứ 6 tôi đóng dán thùng giấy, đón xe Không Tám, đến 1 nơi ngay sát chùa Quán Thế Âm và nhờ bạn quen chuyển giúp vào sáng hôm sau. Trước đó, vào ngày thứ 5, tôi ngồi chọn lựa và xếp gấp. Không nhiều lắm, độ khoảng trên dưới 5kg. Gồm có áo thun, quần tây, áo sơ mi. Năm rồi tôi có mua mấy chồng tập học sinh để dành cho việc ghi chép. Cũng chưa dùng tới. Thế nên tôi bỏ thêm tập viết nữa để cho thùng đầy đặn.
Nếu dán nhãn vào việc làm này của mình thì tôi sẽ có danh từ “từ thiện” (tức charity). Trong 2, 3 năm gần đây, tôi thích các hoạt động theo tinh thần philanthropy (“nhân ái”) hơn. Nhưng để đi theo philanthropy thì cần kế hoạch và rất nhiều tính toán dài hạn. Charity thì nhanh hơn. Và bên ngoài đã có rất nhiều nhóm, hội thực thi. Nương vào họ là được. Nay thì điều kiện chín mùi, lại là dịp đầu năm, cận Tết, tôi thấy mình cần phải hòa vào dòng chảy hiến tặng của cộng đồng.
Làm việc tốt, việc thiện thì không nên phơi bày, khoe khoang. Tính tôi lặng lẽ nên việc tường thuật những việc làm này lại càng không cần thiết. Nhưng ngẫm lại mục đích viết nhật ký, biểu đạt thành những dòng tự sự là để suy xét, tự suy xét. Mà đó chính là nhu cầu lớn nhất của tôi. Thế nên lòng tôi không còn mảy may ngăn ngại nào.
Vừa ở trên, tôi có nhắc đến tính từ tốt và thiện. Đó là viết theo thói quen của thế gian. Còn thực sự trong thâm tâm, tôi không thấy mình đang làm nên một điều gì tốt hay thiện cả. Với tôi, đây chỉ là những việc làm rất giản dị, rất bình thường. Tôi có quyền sở hữu một món đồ. Nhưng tôi không thực hiện tròn vẹn quyền sử dụng. Thế nên tôi trao cả 2 quyền đó cho đối tượng khác.
Tổ chức sẽ làm công việc trung chuyển thì tôi chưa biết rõ. Tôi chưa có nhiều thông tin về họ lắm. Tôi chọn họ dựa trên trực giác. Và tôi cũng không cần biết thêm hay cập nhật diễn tiến gì thêm.
Ngẫm nghĩ thì tôi thấy công việc của tôi khá nhàn hạ. Chỉ việc đóng gói. Mang vác vài kg. Đón xe. Cuối cùng là đặt ở điểm tập kết. Nhưng khối lượng công việc của họ sẽ rất lớn. Nhiều khả năng lên tới hàng tấn quần áo, vật dụng. Các phần việc chọn lọc, xếp gói, phân loại sẽ tiêu tốn một khối lượng thời gian khổng lồ. Đó là chưa kể đến việc dọn dẹp, vệ sinh kho bãi và tổ chức trao tặng lại người dân địa phương ở cuối chu trình. Nhọc công nếu có ở tôi chỉ là nhọc công cá nhân và rất ngắn ngủi. Còn nhọc công từ phía nhóm tổ chức là nhọc công tập thể, kéo dài và nếu không biết cách xử lý sẽ trở thành khủng hoảng, một dạng khủng hoảng thừa trong công việc lẫn khủng hoảng trong tinh thần. Nhìn thấy nên tôi không có mong cầu hay một áp đặt điều kiện gì cho họ cả. Lặng lẽ mang thùng hàng đến, nhờ người chuyển giúp và cũng không cần ai nhớ mặt, đặt tên.
Đây là một hoạt động bình thường của tôi hằng năm. Có khi cách vài năm. Vì tôi không phải người dư dả nhiều. Nhưng nếu nhận thấy không gian của mình đã có phần đầy chật thì tôi sẽ chuyển dời phần dư dôi ấy cho những người cần. Vừa trên tôi có nhắc đến 2 tiếng “hiến tặng”. Đó cũng chỉ là cách dùng từ mang tính tương đối và theo lề thói thông thường. Sự thật là không có tặng, không có trao. Chỉ là sự chuyển dời từ người này sang người khác. Tôi không cần một lời cảm ơn. Đối tượng nói lời cảm ơn có khi phải là tôi. Vì khi mặc áo, dùng tập vở là những người sử dụng đã giúp tôi tránh đi sự lãng phí, lãng phí tài nguyên, lãng phí nguồn lực.
Hơn thế nữa, ngay trong khi ngồi gấp xếp thì tôi thấy bóng dáng của một cô gái Nhật Bản trong tôi. Chỉ là việc xếp quần xếp áo thôi mà người Nhật cũng đã biến hoạt động ấy thành một dạng nghệ thuật, một dạng thuần hóa nội tâm. Thu hái rõ ràng nhất và dễ thấy nhất từ những từ tốn nơi bàn tay này đó chính là sự thư giãn.
Xét trên tương quan được / mất thì hẳn là tôi được nhiều hơn. Chẳng mất gì cả!
#Nhiên
12.1.2019