Trong khoảng 3 năm nay, chủ đề hằng đầu của tôi chính là căn tính. Căn tính trước hết là căn tính của chính mình. Bằng quá trình suy xét âm thầm, những nết tính thuộc vào phần gốc rễ dần dần hé lộ. Dựa trên kinh nghiệm đó, tôi bắt đầu có những câu hỏi ngoại vi. Câu hỏi về căn tính của một vùng miền, một thành phố. Và Đà Lạt là một trong những điểm ngắm.
Tôi nhớ rõ là mình đã hỏi trực tiếp một người có gốc Đà Lạt, “Căn tính của một người Đà Lạt là gì?”. Tôi chưa bao giờ thỏa mãn với những phần trả lời. Bộ phim “Tháng Năm Rực Rỡ” xuất hiện rất đúng lúc. Đây là một hồi đáp đầy tiềm năng cho thắc mắc của tôi. Tuy nhiên, sau 2 lần xem phim này tôi thấy thật khó để có một định nghĩa về căn tính Đà Lạt trong một bộ phim thuần túy thương mại.
Đạo diễn của phim này là anh Nguyễn Quang Dũng cũng đã vô cùng thành thực khi nói rõ mong muốn của mình. Đó là tiền. Càng nhiều càng tốt. Và anh đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Đà Lạt trong phim chỉ là một trong 2 dòng thời gian tự sự của câu chuyện. Đà Lạt có chức năng như một bộ khung không hơn không kém. Sự phục dựng bối cảnh ở đây chỉ để làm nền cho câu chuyện về tình bạn qua năm tháng. Bối cảnh thuần túy đúng vai trò bối cảnh. Đó không phải là không-gian-tạo-ý.
Cũng trong những ngày này, tôi tìm thấy chút bù đắp trong tâm lý bằng quyển “Đà Lạt Một Thời Hương Xa”. Dẫu vậy, tôi vẫn chưa đọc kỹ. Cho đến tận hôm nay, nghĩa là đúng 1 năm, sự đọc của tôi vẫn còn rất hời hợt. Tôi chưa cảm được hay nhớ được giọng điệu tự sự của quyển sách này. Vậy nên khi tôi mang sách đến với buổi ra mắt quyển “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù”, tình cảm của tôi trống vắng. Đến bằng trạng thái của một nhà sưu tập hơn là một người yêu tác phẩm thật sự. Thế nên tôi nhiều lần run rẩy khi nghe được những người Đà Lạt chánh hiệu, chánh hiệu trong gốc tích huyết thống lẫn gốc tích tình yêu. Cái giả yêu, cái lo âu làm duyên làm dáng, cái buồn trang sức run rẩy trước cái tình chân thật, cái trăn trở nguyên chất, cái đau nhức trong từng thớ thịt.
Tôi ngỡ ngàng vì lẽ câu hỏi “căn tính người Đà Lạt” được nhiều lần trả lời, một cách tự nhiên, không hề dàn xếp từ hàng ghế khán giả. Nghĩ rằng đến để nghe tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Không ngờ sức nặng trong câu chuyện về Đà Lạt san sẻ sang cả hàng ghế khán giả.
Công trình biên khảo, du khảo của anh tôi không biết có thể xếp vào dòng sách lịch sử được không? Đây là một tác phẩm phi hư cấu, một bản tổng thuật về những biến động của Đà Lạt trong dòng chảy 1950 – 1975. Không một lời liên quan đến đô thị đương thời. Vậy mà không khắc nào trong buổi tọa đàm lẫn khi cầm sách lên sau đó tôi không nghĩ đến Đà Lạt hiện tại. Quá khứ - hiện tại - tương lai là một mạch chảy nối liền. Tư duy, tình cảm, ký ức hòa cùng dòng thời gian kết dính ấy thiết tưởng cũng chẳng phải là sự phi logic. Vậy nên sẽ là kỳ quặc, trái ngang, phản khoa học, thiếu đạo lý và xa vắng hiểu biết nếu ai đó, nhóm người nào đó muốn dựng xây, muốn quy hoạch một Đà-Lạt-Không-Có-Hôm-Qua, một Đà-Lạt-Rũ-Bỏ-Ngày-Tháng-Cũ?
2 quyển sách với chi chít các chú dẫn nguồn cấp rõ ràng là nhân dáng của một công trình có tính chất khoa học. Các ý kiến, các mở đề, các khơi gợi đều có căn nguyên. Vì vậy chúng thuyết phục. Khác xa là bài viết số #1 của tôi vừa đăng hôm trước. Đó là những cảm xúc chủ quan và không có một nguồn cấp nào. Ví dụ, nói rằng trong não trạng của những người có trách nhiệm quy hoạch đô thị luôn thiếu vắng tư duy kiến trúc vị nhân sinh. Nói như vậy là thiếu căn cứ, thiếu bằng cớ, thiếu điểm tựa thống kê.
Lý tính khác xa với cảm tính. Chính vì vậy mà tôi có ước mong những người bạn của mình, không nhiều lắm và cũng không thân lắm, có thể nhín dành thời gian để phát biểu công khai hay gửi tin nhắn riêng tư đến tôi về chủ đề này. Chủ đề Đà Lạt. Rõ hơn là cảm nhận của các bạn về sự biến đổi của Đà Lạt trong từng lần ghé thăm, trong từng khoảng thời gian trước/sau, ngày-ấy/bây-giờ. Tôi chưa thể gửi các bạn một tập hợp câu hỏi chi tiết. Tôi để cho mọi người tự do nhớ nghĩ và chia sẻ. Các bạn tùy nghi trả lời.
Từ phần giao đãi ban đầu thì tôi mới có thể tiến hành bước tiếp theo. Một dạng gom tụ các phản hồi, chọn lọc các mẫu thông tin và đưa ra nhiều thắc mắc cụ thể hơn để từ đây làm thành một khảo sát xã hội khiêm tốn của mình. Tất cả cũng chỉ là để đẩy lùi sự cảm tính và tăng phẩm chất lý tính trong sự suy xét của tôi về căn tính Đà Lạt, về não trạng của những người có trách nhiệm chuyên môn, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm lương tâm trong việc quy hoạch đô thị này.
Tôi rất không muốn dừng lại những dòng viết của mình chỉ ở dưới dạng thuật tả một buổi ra mắt sách hay là cảm nhận về một tác phẩm biên khảo, du khảo. Đã như thế bao lần rồi. Tôi không muốn soi mình như thế nữa. Những lần giả yêu, âu lo làm dáng và buồn-đau-trong-điều-hòa. Tôi phải khác. Lần này phải khác.
#Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét