Trang

27.3.19

Tính cách của sản phẩm ống hút tre | PVT#4

Góc Tự Suy Xét, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Phan Văn Trường, Lý luận, hệ thống, hệ sinh thái ống hút tre, quả táo tái tạo hệ sinh thái để sinh tồn
Đây là bài #4 tôi viết về chủ đề “hệ sinh thái của ống hút tre”. Có lẽ cũng là bài cuối cùng. Nguyên do của chuỗi bài này chính là buổi tọa đàm của giáo sư Phan Văn Trường. Lắng nghe ông tôi vô cùng cảm kích. Vì lẽ thắc mắc của tôi về cái gọi là “tư duy hệ thống” đã gặp được một người có nền tảng lý luận và thực trải trình bày.


Cần sự truyền thông giữa 3 bên

Tôi không muốn dừng lại ở sự cảm kích để rồi khối cảm tình ấy trôi vào quên lãng. Nhìn xuống chiếc ống hút tre mà tôi đã mang đến buổi nói chuyện, tôi vội nghĩ phải viết ngay một dạng bài theo kiểu “bài thu hoạch” để mời giáo sư đọc. Cốt yếu là nhờ giáo sư chấm điểm và cho tôi hay tôi đã thấm nhuần câu chuyện của giáo sư ở mức độ bao nhiêu phần trăm. Cụ thể hơn, tôi chờ giáo sự nhận định rằng tôi đã hiểu “hệ sinh thái” và “lý luận hệ thống” đến tầng mức nào.

Ngẫm như vậy và thực hiện ngay tức lự. Tôi không ngại phơi bày sự ngu dốt của mình. Thế là bao nhiêu kiến thức ở dạng lý thuyết giấy tờ ở các lãnh vực mà tôi chưa từng đảm nhận như quản trị, logistics và thương hiệu được tôi mang hết vào những dòng viết của mình. 

Biết là sẽ có sai xót và khiến người khác phì cười nhưng tại sao tôi vẫn không ngại để cho tất cả lộ thiêng?

Vì tôi cần sự truyền thông. Truyền thông ở đây được hiểu là sự liên lạc, là sự đối thoại, là ngồi xuống tỏ bày cùng nhau. Ai cần ngồi xuống? Ai cần nói ra? Ai cần lắng nghe? Ở đây, tôi thấy ít nhất có 3 đối tượng. Thứ nhất là người sản xuất. Thứ hai là người phân phối và cuối cùng là tôi, người tiêu dùng. Hẳn nhiên có thể sẽ có thêm vài người khác, có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo sự thiển cận và thiếu hiểu biết của tôi, tôi mới chỉ nhìn thấy 3 người. 

Còn 1 người khác nữa, tôi đã nhắc đến ở đầu bài, đó là tác giả của quyển “Một đời quản trị”. Ông giống như một nhân vật ở điểm nhìn toàn cảnh, nhìn thấy tất cả diễn biến.

Tôi rất vui vì ít nhiều gì giữa nhóm chúng tôi đã có sự truyền thông với nhau. Cả hai người ở vai trò phân phối, sản xuất đều đã nhắn gửi công khai hoặc riêng tư. Với tôi đó là một niềm vui không hề nhỏ. Họ sẽ giúp cho tôi điều chỉnh lại một số MẶC ĐỊNH của mình. 

Tôi vừa nhắc đến 2 tiếng “mặc định”. Đây là một từ khóa. Đã là từ khóa thì nó rất quan trọng. Khi chúng ta trao đổi, tranh luận, đối thoại, sự va chạm nếu có không phải là sự va chạm giữa con người mà là va chạm giữa các mặc định. Mặc định là những cái tất yếu bên trong nội tâm của từng người. Qua thời gian, những nếp nghĩ về “cái gì là tất yếu” sẽ tạo ra những bức tường thành trong tư duy. Sự chân xác, ăn khớp, hợp lý, hợp tình với hiện thực của các bức tường thành ấy nếu không có đối thoại, tranh luận, phản biện sẽ rất dễ trở thành những dạng định kiến, gây chia rẽ và tạo nên rất nhiều diễn tiến tiêu cực.

Va chạm như đã nêu là va chạm giữa những mặc định. Không có ai thách thức ai. Tinh thần ở đây là sự tôn trọng, cầu thị, mong muốn lắng nghe, mong muốn thấu hiểu. 

Việc 2 người ở các vai trò sản xuất và phân phối đã có liên hệ với tôi đó thật sự là một diễn tiến rất tích cực, là thành quả bước đầu mà cũng là thành quả mong ước về sau. Có sự liên lạc, có sự trao đổi, có sự tiếp thu giữa 3 thành phần. Nếu được vậy thì chúng ta có một “hệ sinh thái” lành mạnh cho ống hút tre.


Gốc rễ trong hành vi của một người tiêu dùng

Như ở bài #3 tôi đã viết về sự may mắn. Sự gặp gỡ giữa tôi và chiếc ống hút tre là một sự may mắn hay là một điều kỳ diệu. Vì lẽ không cần ai phải nói thêm hay giải thích gì thêm, chắc chắn tôi sẽ là một người tiêu dùng trung thành của sản phẩm này. Nguyên do của sự trung thành không đến từ nhà sản xuất hay nhà phân phối mà là tự bản thân người tiêu dùng đã bồi đắp. 

Tôi xin kể ra về những bồi đắp đó để tất cả được tỏ tường.

Trước hết là một sự kiện gần đây, trong khoảng 3 tháng gần đây. Có một bài báo của tờ tôi tạm dịch luôn là “Người Bảo Vệ” của nước Anh đã viết về thực trạng rác thải là các hộp sữa tiện dụng tại Việt Nam. Ở đây tôi không trích dẫn nguồn. Ai cần đọc có thể tự tìm kiếm. Con số từ bài báo này nêu ra là 9 con số 0. Nghĩa là hàng tỉ. Tám tỉ. Chúng ta có 8 tỉ, hàng tỉ hộp sữa là rác mỗi năm trên đất nước Việt Nam. Chúng đi đâu? Chúng vẫn ở nguyên đó. Khắp nơi. Trôi dạt trên biển hay nằm đâu đó trong lãnh thổ này. Chỉ 20% được tái chế. Mà cũng thật băn khoăn không biết chúng có thực sự được tái chế hay không. 

Có một vấn đề nổi cộm ở đây đó là trách nhiệm của doanh nghiệp đằng sau và trách nhiệm của những người đã thương thuyết với họ trong quốc nạn 8 tỉ vỏ hộp này. Công ty này đã thâu gom một con số lợi nhuận khổng lồ từ việc cung cấp vỏ hộp tiện lợi. Tuy nhiên, tại sao họ chỉ phải tái chế 20% trong số đó mà không phải là tất cả? Tại sao họ được hưởng sự ưu đãi này? Sự ưu đãi dành cho một công ty nước ngoài và phần rác thải lên đến hàng tỉ được dành cho Việt Nam. Đạo lý ở đâu? Và lương tâm nào đã tạo nên một giao kết như vậy?

Thêm một diễn tiến kỳ lạ mà tôi đã chứng kiến. Đó là có một số cá nhân và tập thể đã đứng ra tổ chức việc thu gom rác thải hộp sữa tiện dụng này. Họ hoạt động hoàn toàn tự phát và rất hăng say. Nghĩa là họ đã gánh vác thay phần trách nhiệm của công ty kia. Người Việt Nam, đồng bào của tôi rõ ràng đã vô cùng dễ thương, vô cùng nhẫn nại, vô cùng đôn hậu, vô cùng từ hòa. Những ai là ngoại nhân đang thâu được lợi nhuận trong kinh doanh tại Việt Nam nên biết điều đó.

Những gì vừa viết của tôi không có dẫn chứng, không có thống kê, không có nguồn cấp. Cho nên không có tính khoa học lẫn thuyết phục. Chúng rất chủ quan, cảm tính và dựa trên trí nhớ. Chúng không đáng đọc. Điều cần nhớ là cơn ác mộng của tôi. Mỗi khi nghĩ đến bãi rác 8 tỉ, như một hòn đảo trôi nổi trên đại dương hay là một ngọn núi giữa lòng đô thị là tôi kinh hoàng. Và đây không phải là một cơn ám ảnh nhất thời, làm dáng, một nỗi-buồn-đau-trong-điều-hòa.

Câu hỏi làm sao bản thân mình có thể giảm thiểu sự tàn phá Tổ Quốc đã được nuôi trồng từ lâu, rất lâu. Phải là 12 năm trước. Đúng ra là 20 năm trước. 


Tính cách của một sản phẩm

Tôi vẫn còn nhớ 20 năm trước, năm 1999, tôi đã chủ động cầm đọc một quyển sách dạng tinh yếu của giáo lý Phật Giáo. Ngay từ thuở đó, tôi đã biết đây là một suối nguồn tri thức bao gồm rất nhiều cái thấy sáng soi về nội thân và về cuộc đời. Đến khoảng 2007 thì tôi bắt đầu dấn sâu hơn. Có tham cứu, có suy ngẫm, có thực hành. Tôi đang nói tới 5 Giới của Đạo Phật. Và tôi học lẫn hành ở cả 2 truyền thống Bắc Truyền và Nam Truyền. Ở phương Nam, mọi thứ được giữ nguyên, như 1 bảo tàng. Chẳng hạn, giới 1 là không sát sanh, ai đó giảm thiểu sự giết hại của mình nhiều chừng nào tốt chừng đó, tùy theo điều kiện chừng mực của mỗi người. Ở phương Bắc, có sự cách tân, có sẽ khai triển. Chẳng hạn như ở Đạo Tràng Mai Thôn, giới 1 được chuyển thành “Bảo Vệ Sự Sống”. 

Tôi không theo Bắc lẫn Nam. Tôi thừa hưởng cả hai phía. Một bên cố gắng giữ nguyên bản dạng. Một bên cố gắng làm mới. Tôi học từ cả hai. Vấn đề không phải là phạm hay không phạm, là đúng hay sai, là kiếp này hay kiếp trước… Tôi bỏ hết tất cả những mặc định đó. Mặc định của tôi là sự giảm thiểu. Mình đã từng thì nay mình giảm, giảm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, giảm theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Thế là tôi có một phép tư duy được gọi là “tư duy về 5 Giới” và chúng biến thành các hành động ở phương diện tiêu thụ, nói năng, yêu đương, giải trí, ứng xử. Làm gì tôi đều có ý thức về 5 Giới. Ý thức ở đây không phải là ý thức suông mà đã có một quá trình thực nghiệm và đúc kết sau từng chuỗi tháng ngày. Bắt đầu từ 2007 cho đến nay. Như vậy là 12 năm. Tôi tin rằng “tư duy về 5 Giới” đã trở nên bức tường thành kiên cố bên trong tôi. Dầu cho kiên cố nhưng tôi luôn sẵn sàng đập bỏ hay xây thêm nếu cảm thấy cần thiết. 

Cũng từ “tư duy 5 Giới” mà tôi đã được dẫn nguồn đến với những ngành như Deep Ecology hay Permaculture. Ý thức bảo vệ môi sinh của tôi được dẫn truyền từ “tư duy 5 Giới” và cũng chính căn nguyên này mà tôi thấy ý thức ấy càng ngày càng sâu dày. Thế nên cái gọi là “khủng hoảng 8 tỉ” trong tâm can của tôi không hề mang tính phong trào hay chỉ là hiện tượng nhất thời. Đó là một giọt nước tràn ly. Và kể từ khi đọc bài báo ấy, tôi quyết định sẽ không bao giờ đụng tới bất kỳ hộp sữa nào. Lúc trước, thỉnh thoảng tôi vẫn uống hay sử dụng. Không nhiều nhưng thỉnh thoảng. Nhưng kể từ bài báo thì dừng hẳn. Đó không phải là một dạng dứt trừ cực đoan. Nhưng giống như là một lời hứa không thành văn vậy. Quyết dừng và “tư duy 5 giới” luôn có đó để điều chỉnh, để nhắc nhở, “bản chất ở đây là sự giảm thiểu”.

Từ hộp sữa sẽ nảy ra những vật phẩm liên quan, chẳng hạn như hộp cơm, ống hút, các dạng túi bóng. Về túi thì tôi đã dùng túi vải từ nhiều năm. Sau cơn chấn động đầu năm 2019 thì lúc nào cũng cố gắng mang sẵn trong người 1 túi vải. Ăn uống cố gắng ăn tại điểm cố định để không phải đụng tới các dạng hộp nhựa. Và về uống thì tôi chỉ thường xuyên uống trà ấm, pha loãng từ trà lá. Trường hợp đi ra ngoài thì chiếc ống hút tre xuất hiện rất đúng lúc. 

Như đã nói, tôi không bài trừ một cách cực đoan. Lấy ví dụ, tôi đi 3 buổi tọa đàm. Buổi đầu tôi dùng ống hút tre nhưng ly nước từ phía tổ chức lại là ly giấy. Tôi chẳng hiểu vì sao ở các hàng quán khi khách hàng có mặt tại chỗ, họ vẫn dùng ly giấy? Có lẽ họ đã nhập số lượng lớn, nay phải dùng dần? Rút kinh nghiệm từ buổi 1, đến buổi 2, tôi gọi một loại nước khác, với loại này, họ lại mang ra một ly thủy tinh. Tiếp tục dùng ống hút tre mang sẵn, tôi hiểu mình đã đạt được “sự giảm thiểu” so với hôm qua. Đến hôm sau, gọi một loại nước khác thì tôi lại phải dùng ly giấy. Như vậy, sau 3 buổi, tôi đã có kinh nghiệm để làm sao “tư duy 5 Giới” hay là “sự bảo vệ môi sinh” của tôi được bảo toàn. 

Như vậy, tôi đã viết rất rõ về gốc rễ trong hành vi của một người tiêu dùng ống hút tre. Tôi không biết những dạng người như tôi có phải là thiểu số trong xã hội này hay không. Nhưng tôi tin rằng tính cách của người tiêu dùng một khi đã được phân tích rõ ràng như vậy thì phía sản xuất và phân phối có thể tham khảo và xác lập tính cách của sản phẩm.

Tính cách sản phẩm và tính cách người tiêu dùng đồng nhất hay có nhiều điểm tương đồng sẽ tạo ra liên kết vững chắc trong một vòng tuần hoàn của sản phẩm. Tôi tin vậy. Phải có một điểm chung thì mới có một chất keo nào đó trong liên hệ. Không ai muốn bán chỉ được 1 lần. Cần một sự lập lại trong hành vi mua bán. Và theo tôi, để có sự lập lại đó thì tính cách sản phẩm phải hiển lộ, phải được thông báo và phải được trình bày một cách rõ ràng và khoa học. Chúng ta không thể chờ một sự ngẫu nhiên trong việc duy trì hệ sinh thái bền vững cho sản phẩm này.

Tôi xin dừng tại đây và chờ ý kiến của tất cả các bên. 

#Nhiên
27.3.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét