Trang

26.3.19

Hệ sinh thái của ống hút tre | PVT#3

Ống hút tre, Phan Văn Trường, Lê Xuân Hà, Vũ Đam Nhiên, Đạm Nhiên, Tự suy xét, hệ sinh thái, Quả Táo Tái Tạo Hệ Sinh Thái Để Sinh Tồn

Nối theo bài #2, tôi tiếp tục viết về chiếc ống hút tre. 

Ở bài trước, tôi có nhắc đến nhà sản xuất. Danh xưng đã được xác định. Đó là “Lê Xuân Hà”. Tôi chưa hề biết anh này. Có lần anh đã gửi lời yêu cầu kết bạn. Nhưng do bản tính lặng lẽ và có xu hướng cô độc, tôi không nhấp nút chấp nhận. Hơn nữa, tôi có lệ trước giờ, mỗi khi cần kết nối với ai, tôi đều nhắn tin viết thêm vài dòng. Nếu người khác không có động thái tương tự thì tôi cũng hơi ngại nhận lời giao kết. 


Giá trị gia tăng nhờ người phân phối

Tôi nhận được chiếc ống hút từ ngày 24.12.2018. Người tặng có tên “Dương Thanh Phận”. Theo tôi được biết, anh đang sống tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Khi về Sài Gòn, anh đi cùng 1 bạn khác có tên Thảo Đan. Hai người hẹn gặp tôi và trao tay món quà này. 

Trong buổi gặp, anh Phận lấy ra bút nhiệt và khắc trực tiếp con chữ và họa tiết theo đề nghị của tôi. Vì được gợi ý nên tôi bảo khắc tên mình là “Đạm Nhiên” cùng một câu khác tựa như gia ngôn, có 4 tiếng: khát khao tri thức. 

“Đạm Nhiên” được khắc vào ống hút nhỏ. “Khát khao tri thức” được khắc vào ống hút lớn. Nhỏ nằm trong lớn và có 2 đầu bọc. Tôi bảo khắc thêm hình dáng đôi mắt vào 2 đầu. Các đường nét còn lại là tùy nghi theo sáng tạo của anh Phận. “Đôi mắt” đối với tôi là sự nhìn, sự suy xét, không phải nhìn bề ngoài mà nhìn bề trong mình. Không phải là không muốn nhìn ra mà là nhìn dzô trước. Nhìn dzô cho đủ tháng, đủ ngày, đủ kỳ rồi mới nhìn ra. 

Từ lúc chiếc ống hút trơn láng cho đến lúc chiếc ống hút có thêm chữ, hình vẽ và họa tiết, cảm giác trong ánh nhìn và cả khi xúc chạm khác hẳn, khác rõ rệt. Giá trị sử dụng vẫn không đổi. Vẫn chỉ là chiếc ống hút dùng cho việc giải khát. Có thêm một chiếc cọ nhỏ dùng cho việc vệ sinh. Tuy nhiên, nhờ có bàn tay thủ công khéo léo trang trí, chiếc ống hút đã các thêm một giá trị về mặt tinh thần, khiến cho giá trị tổng thể của bộ sản phẩm này tăng lên gấp nhiều lần.

Tôi được thông báo với những mẫu ống hút có thêm nét vẽ như vậy thì chúng rất hút hàng. Hàng bán được nhiều hơn. Hẳn nhiên giá bán cũng cao hơn. Về sau, tôi có thấy vài bạn đăng lên mạng khá nhiều hình ảnh về những chiếc ống hút tương tự. Sự ăn khách rõ ràng đã được kiểm chứng.

Anh Phận cùng Thảo Đan theo tôi được biết cũng là hai người phân phối chiếc ống hút này. Như vậy, từ nguồn Thanh Hóa, chiếc ống hút này được vận chuyển về Lâm Đồng. Qua một nhịp chế tác tại đây, chiếc ống hút về đến Sài Gòn hay là được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Người phân phối ở đây không chỉ đóng vai trò trung gian luân chuyển hàng hóa mà còn tham gia vào quá trình gia tăng giá trị cho sản phẩm. Ở đây tôi chưa nói đến việc đóng gói, thiết kế bao bì. Vì tôi chưa biết họ làm như thế nào. Nhưng chỉ với riêng việc khắc chữ, vẽ hình thì toàn bộ đường nét và họa tiết đã góp phần tạo ra một ấn tượng thị giác tức nghĩa là góp vào việc tác thành cho bộ nhận diện của thương hiệu ống hút tre.


Quản lý nguyên liệu đầu vào theo hướng bền vững

Tôi đã nhận định rằng chiếc ống hút này không có nhiều giá trị kinh tế hay hiệu quả sử dụng. Ống hút tre thiên về ý nghĩa lưu niệm nhiều hơn. Và sự thực thì tôi chưa từng mua chiếc ống hút nào. Bộ này tôi được tặng. 

Khi tôi cầm lên, tôi chưa hề có một thông tin rõ ràng nào về sản phẩm. Hẳn nhiên, những người ở vai trò phân phối cũng đã cung cấp cho tôi rất nhiều tri thức. Tuy nhiên, điều tôi cần vẫn là tự sự của nhà sản xuất. Có nơi nào công khai toàn bộ thông tin về sản phẩm hay không? Đó là thắc mắc đầu tiên của tôi.

Với những sản phẩm mà người tiêu dùng phải trả một mức giá đắt hơn và gặp phải nhiều bất tiện về mặt vật lý lẫn tâm lý trong việc sử dụng thì theo tôi cần phải tìm ra thật nhiều cách thức để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bất kỳ điều gì các thêm, gánh vác thêm một tầng ý nghĩa đều cần được thực hiện. Tôi ví dụ thêm một vài gợi ý. Chẳng hạn ở Việt Nam, chiếc ống hút tre đầu tiên được sản xuất là bởi ai và lúc nào? Lê Xuân Hà có phải là người đầu tiên hay là người đứng thứ bao nhiêu trong nhóm những người tiên phong? Tôi cần được nghe một lược sử hay ít nhất là vài dòng tiểu sử về sản phẩm này. 

Nguyên liệu của ống hút được khai thác từ các khóm nứa. Cứ 7 năm là khai thác một lần [*]. Đó có phải là những cánh rừng được khai thác theo hướng bền vững hay không? Tức là một dạng tiêu chuẩn tựa như FSC? Không có đóng mác FSC nhưng Lê Xuân Hà theo tôi hoàn toàn có thể thực hiện được những bước đi tương tự và hệ thống hóa quy trình khai thác nguyên liệu của mình. Nếu có thêm những chú giải theo hướng này, sản phẩm của anh sẽ có thêm sức nội hàm rất lớn trong nhãn quan của người tiêu dùng.

Có thể trong tư duy của một người sản xuất, khối công việc của Lê Xuân Hà đã quá tải. Nếu đúng vậy thì trong đội nhóm của anh, tôi thấy rất cần thiết có một người có tư duy tốt, hiểu rõ tầm quan trọng của tự sự học, của tiểu sử học để giúp anh. 


Nhân hiệu và thương hiệu

Trong giới chuyên gia về xây dựng thương hiệu tại Việt Nam, tôi biết đến cái tên Nguyễn Thanh Sơn. Những khóa học của anh này tôi đã nghe qua. E là tôi không đủ tiền để tham dự. Tuy nhiên, thông qua các bài viết của anh thì tôi được biết tới khái niệm “nhân hiệu”. Theo cái hiểu bồng bột của tôi thì đó là “thương hiệu cá nhân” trong mối liên hệ tương hỗ với “thương hiệu sản phẩm”. “Thương hiệu cá nhân” mà cũng có thể là “thương hiệu tập thể”, những con người đứng đằng sau việc ra đời của một sản phẩm. Đây là mối quan hệ tương hỗ. Cái này tác động đến cái kia. Nhìn vào cá nhân, nhìn vào tập thể, người ta đánh giá sản phẩm.

Tôi tin vào đường lối tư duy như trên. Vậy nên trong khi chưa biết gì về sản phẩm có thể tôi sẽ tìm hiểu cá nhân hay tập thể đã tạo ra sản phẩm ấy. Trong thời điểm bấy giờ, hầu như ai cũng có trang cá nhân ở hình thức nhật ký trực tuyến hay mạng xã hội. Thế nên, khi có thắc mắc về ống hút tre tôi sẽ truy tìm về trang của Lê Xuân Hà. Và mọi hoạt động của anh này, từng lời nói, từng bình luận, từng trạng thái cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến giá trị của thương hiệu ống hút tre trong lòng tôi, một người khách hàng. Đó là còn chưa nói đến các hình ảnh, hoạt ảnh. Màu sắc, sự chuyển động của những khối hình, ấn tượng thị giác, tình cảm từ trang cá nhân cũng sẽ khiến cho khách hàng có ấn tượng thị giác, tình cảm tương tự với sản phẩm. Giá trị sản phẩm vì vậy có khi sẽ tăng thêm hay là giảm xuống. Hoặc là không tăng, không giảm. Vì sao lại không tăng, không giảm? Vì người ta không nhìn thấy một sự tương đồng nào giữa người và sản phẩm. Không có tương đồng thì nghĩa là không có tính NHẤT QUÁN. Đây là điều tưởng nhỏ nhưng sức ảnh hưởng không hề nhỏ.

Tôi sẽ dùng chiếc ống hút này và dùng rất lâu. Không phải chỉ vì được tặng hay là vì tình cảm cá nhân với người tặng. Tôi có lý do ở bên trong. Những lý do đó khiến tôi bất chấp những bất tiện bên ngoài. Vậy nên cả nhà sản xuất và người phân phối đã may mắn! Tôi có thể nói như vậy, nói mà không hề có một chút tự phụ nào. Họ đã may mắn. May mắn vì gặp được 1 người tiêu dùng như tôi. Tôi đã hình thành một bộ quy tắc ứng xử mà theo đó chiếc ống hút tre sẽ là một vật dụng cần thiết và không thể loại bỏ. Nhà sản xuất hay người phân phối không hề có một tác động nào trong tiến trình này. Họ có một khách hàng trung thành mà không cần phải mất thời gian và chi phí cho một hoạt động hậu mãi hay bất kỳ động thái gia tăng giá trị nào. Trước cũng như sau quá trình tiếp nhận sản phẩm của tôi, họ không cần dụng công hay dụng tâm gì cả.

Nhưng đó là trường hợp của tôi. Còn với người khác thì theo cạn nghĩ là không được. Điều gì ở chiếc ống hút tre này, giá trị hữu hình, giá trị vô hình, giá trị lý tính, giá trị tinh thần, giá trị cá nhân, giá trị cộng đồng nào của nó khi sử dụng khách hàng sẽ được thụ hưởng? Câu hỏi này cần được trả lời rõ ràng và thường xuyên nhắc lại nhiều lần. Nhắc lại bằng âm thanh, hình ảnh, văn bản từ các nguồn cấp dữ liệu liên quan. Với tôi, đó là những diễn biến cần thiết để tạo ra sự sống, sức sống, tạo ra ký ức, tạo ra một hệ sinh thái bền vững cho vòng đời của sản phẩm này.

(còn tiếp)

Nhiên
26.3.2019

Ghi chú: [*] Đây là nhận định không chính xác. Tôi đã được anh Hà nhắn tin và đã hiểu hơn. Sẽ viết lại trong một dịp khác.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét