Giáo sư Phan Văn Trường có một bài nói chuyện bao hàm nhiều lĩnh vực từ khởi nguyên của vũ trụ đến nông nghiệp đương đại, từ suy tư về bản thể đến những chấn thương tâm lý trong lòng người trẻ.
Từ quả táo đến chân trời cho tâm thức
Ông đặt một cái tên chung cho chương trình là “Quả táo tái tạo hệ sinh thái để sinh tồn”. Theo cách hiểu của tôi, điểm mà ông muốn gợi khơi không phải chỉ gói gọn trong địa hạt nông nghiệp, hay một khu vườn theo hướng cân bằng sinh thái mà là môi trường làm việc của một người lao động, là môi trường xã hội của một công dân, là môi trường sáng tạo của một người trí thức.
Hoa trái sở dĩ đánh mất hương vị ngọt mát ban sơ là vì khu vườn đã không còn là một hệ sinh thái thu nhỏ cân bằng. Con người, cũng vậy, sở dĩ mà lạc lối, chơi vơi là vì đã rời xa với hệ sinh thái mà vốn dĩ mình thuộc về.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây. Hệ sinh thái đã mất đó là gì? Và muốn tái tạo, muốn thiết kế lại thì chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian, phải trải qua những giai đoạn nào?
Vì thời lượng có hạn cho nên giáo sư đã không trả lời. Và cũng chưa có ai kịp hỏi những câu như vậy. Buổi này có lẽ đã hoàn thành được mục tiêu mà giáo sư đề ra. Đó chính là nêu bật được yếu tố quyết định, tầm quan trọng của từ khóa “hệ sinh thái” và nếp nghĩ song hành:
- Lý luận hệ thống.
Tôi muốn nương nhờ vào mở đề của ông để diễn dịch xem phần viết dưới đây của mình có ứng đúng theo tư duy về #lýluậnhệthống và #hệsinhthái không?
Trải nghiệm người dùng
Chủ đề của ông liên quan nhiều đến môi trường, đến nông nghiệp. Vậy nên tôi chọn một vật phẩm cụ thể. Đó là chiếc ống hút tre mà tôi đã mang theo khi đến buổi nói chuyện này.
Đây là chiếc ống hút tôi được tặng từ cuối tháng 12.2018. Tôi là người sử dụng, có thể gọi là điểm cuối của 1 quy trình từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và người tiêu thụ. Phần viết của tôi vì vậy có thể gọi là trải nghiệm người dùng và hẳn sẽ là nguồn thông tin cần thiết và đáng đọc đối với cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối.
Trước tiên là nhà sản xuất. Theo tôi được biết, ống hút tre này có nguồn từ Thanh Hóa, được trồng và tạo nên dáng hình tại một nông trại ở địa phương này.
Người Thanh Hóa trong ký ức của tôi hầu như đều là những tin tức bất thiện. Đó không phải là kinh nghiệm trực tiếp mà là lời đồn thổi, lời truyền miệng về người Thanh Hóa. Và vì vậy tôi có một ý niệm không mấy tốt đẹp về những người ở địa phương này. Tôi có vài người bạn cũng có nguyên quán Thanh Hóa. Nhưng sự gắn kết không sâu sắc nên tôi không có dịp kiểm chứng dư luận. Dẫu vậy, tôi có thói quen sàng lọc thông tin và không dễ để mình trở thành nô lệ cho những định kiến tập thể.
Cầm một chiếc ống hút tre từ Thanh Hóa, mong mỏi lớn nhất của tôi là được nghe tự sự của chính người đã tạo ra chiếc ống hút này. Tuy nhiên, tôi chưa có được cơ may đó và cũng chưa biết phải nghe từ đâu. Nghe ở đây là nghe trực tiếp bằng âm thanh hay văn bản mà không phải thông qua bất kỳ kênh trung gian nào. Và tự hỏi liệu ở vị trí đầu nguồn, họ có thật sự để tâm đến trải nghiệm của khách hàng hay không? Và họ có ý thức về tầm quan trọng của một cổng thông tin lưu trữ và thâu nhận tất cả ý kiến của khách hàng?
Tính hiệu quả hay chỉ là vật kỷ niệm?
Đứng dưới vai trò khách hàng, tưởng tượng mình là chữ cái B (theo dạng B2B), tôi đánh giá chiếc ống hút tre này không có tính hiệu quả kinh tế. Giá thành của nó chắc chắn đắt hơn ống hút nhựa. Vậy nên, nếu là một doanh nghiệp mới ra đời, cần vòng tiền, cần tồn tại, cần bù đắp chi phí, có rất ít khả năng tôi chọn sản phẩm này. Trường hợp là một doanh nghiệp đã có vòng quay tiền mặt ổn định, đã có vị thế, có thặng dư mà muốn dùng thặng dư để xác lập ấn tượng trong lòng người, tạo ra một giá trị mang tính cộng đồng hay là một giá trị gia tăng nào đó trong tư duy chiến lược của họ thì việc chọn chiếc ống hút này có nhiều xác suất hơn.
Nếu chọn thì trong vấn đề vận hành, họ sẽ phải có thêm một bước nữa thay vì lề thói thông thường. Đó là tiệt trùng các ống hút sau mỗi lần sử dụng. Vì tôi không nghĩ họ sẽ chỉ sử dụng 1 lần. Ở Việt Nam tôi chưa thấy (trong tầm hiểu biết hạn hẹn của mình) một hàng quán nào công khai việc tiệt trùng ly, tách, chén, dĩa, đũa, muỗng. Tôi chưa hiểu rõ vấn đề pháp lý. Có chế tài hay quy định nào không? Rửa ở đây không chỉ là dùng nước, dùng chất tẩy rửa mà còn có công đoạn tiệt trùng, chẳng hạn như dùng máy sưởi, máy hấp. Có hay không, chưa biết? Nhưng chắc chắn tốn thêm thời gian, chi phí và nhân lực. Liệu đây có là thử thách cho dòng lưu kim của 1 doanh nghiệp? Và họ sẽ chịu đựng được trong bao lâu? Thời hạn sử dụng của 1 chiếc ống hút tre là bao tháng bao ngày?
Tôi chưa từng làm hàng quán. Thành thật là tôi yếu kém trong vấn đề kinh doanh nhưng sau khi suy nghĩ theo 2 đường ranh tư duy trên thì tôi thấy tính hiệu quả về mặt kinh tế của ống hút tre là khá thấp.
Giờ thì thử đặt mình là chữ cái C trong liên hệ B2C. Nếu biết rằng chiếc ống hút tre mà mình đang cầm đã được sử dụng nhiều lần thì có lẽ tôi cũng không thích thú gì. Ngại ngần nhiều hơn. Và tự hỏi liệu có thật sự vệ sinh hay chưa? Dù có hình ảnh, dù có giấy tờ hay bằng chứng nhưng tôi cũng không mấy tin tưởng vào những chứng minh của hàng quán. Vì lẽ tôi cũng như những khách hàng đương thời, niềm tin vào sự an toàn thực phẩm đã xuống rất thấp. Và thực là chúng ta đang ở một giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Hễ cứ khui khoét một vấn đề nào đó, một lãnh vực nào đó thì lại truy ra bao nhiêu thảm nạn.
Vậy làm sao để tôi có thể đặt niềm tin vào chiếc ống hút này? Nhà sản xuất đã từng có suy nghĩ làm sao để xây dựng và giữ niềm tin của khách hàng?
Điểm tựa bên trong
Điểm tựa bên trong
Hành vi sử dụng của tôi vì vậy không có một điểm tựa kiên cố từ bên ngoài. Hành vi ấy quả thật rất mong manh không thể biết được sẽ dừng lại lúc nào.
Trường hợp chọn có dùng ống hút tre thì phương án của tôi sẽ là tự trang bị một bộ cho mình. Như bộ sản phẩm ở đây là gồm 2 ống. 1 ống to được khuyên dùng cho trà sữa. 1 ống nhỏ được khuyên dùng cho các loại nước khác. 1 cây cọ để vệ sinh và 2 đầu bọc để bảo quản. Tôi tự trang bị và tự vệ sinh sau mỗi lần sử dụng. Và tôi tự hỏi, liệu có khách hàng nào có dư thời gian, hay nói gọn là quỡn như tôi. Lúc nào ra ngoài cũng khư khư chiếc ống này. Rồi sau mỗi lần dùng là phải tự vệ sinh ống. Đó là chưa kể phải thường xuyên đối mặt với những cú liếc mắt, cái chau mày, hay những biểu cảm kỳ lạ của những nhân viên chạy bàn hay đứng quầy. Tôi dùng tính từ “kỳ lạ” là một cách giảm nhẹ. Thực tế như thế nào thì ai đã trải sẽ rõ.
Phân tích ở cả hai chữ cái B, C thì tôi kết luận chiếc ống hút tre này xét ở tính hiệu quả kinh tế thì không cao mà chỉ có giá trị như một vật lưu niệm, để trang trí, để làm tặng phẩm. Và số lượng người dùng sẽ không thể nào nhiều. Nếu có dùng thì không chắc họ sẽ dùng bền. Người dùng còn phải đối mặt với rất nhiều bất tiện khác cả ở phương diện vật lý lẫn tâm lý.
Nhưng tại sao tôi vẫn dùng? Điều này xuất phát từ cách sống, từ tư duy tiêu thụ, từ căn tính. Không phải đến từ sản phẩm mà là đến từ nội tâm của người khách hàng.
….
(còn tiếp)
Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét